(tinsaigon.net) - Thứ năm, 7/8/2014 | 16:02 GMT+7
‘Into the Storm’ tái hiện sự cuồng nộ của thiên tai
Bộ phim, nói về thảm họa lốc xoáy tại một thị trấn của nước Mỹ, đem tới cái nhìn toàn diện về mức độ khốc liệt của thiên nhiên.
Hàng năm, bên cạnh những dòng phim hứa hẹn hút khách như siêu anh hùng, người máy, người hùng - điệp viên thì các tác phẩm về thiên tai thảm họa cũng được Hollywood chú trọng khai thác. Nhiều tác phẩm của đề tài này đã để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả như Twister (1996), The Day After Tomorrow (2004) hay gần đây là 2012 (2009). Into the Storm là phim mới nhất nói về các thảm họa tự nhiên, với bối cảnh tại một thị trấn ở nước Mỹ - nơi cơn bão lớn nhất trong lịch sử đi qua và tàn phá mọi thứ.
Into the Storm có ba nhóm nhân vật với mục đích gần như khác nhau hoàn toàn, điểm duy nhất liên kết họ với nhau là tất cả đều trở thành nạn nhân bị kẹt trong cơn bão này. Nhóm đầu tiên là đội nghiên cứu bão do một nhà nghiên cứu lập dị dẫn đầu. Ước mơ lớn nhất đời ông là được một lần đứng giữa “Mắt bão”. Nhân vật này thậm chí còn chế tạo ra một chiếc “chiến xa” để ghi lại những con bão và thách thức sự thịnh nộ của thiên nhiên.
Poster phim "Into the Storm".
|
Nhóm thứ hai bao gồm hai anh chàng điên rồ và liều mạng, thích quay những cảnh mạo hiểm để đăng lên kênh video của mình. Nhóm thứ ba là một hiệu trưởng mẫn cán cùng các học sinh mạo hiểm phóng xe giữa bão tố để đi tìm cậu con trai và cô bạn gái đang mất tích.
Điểm nổi bật và hấp dẫn nhất trong những bộ phim nói về thiên tai chính là yếu tố kỹ xảo. Đạo diễn Steven Quale vốn là người làm hiệu ứng cho siêu bom tấn Avatar của đạo diễn James Cameron vào năm 2009. Chính vì vậy, với kinh phí chỉ khoảng 50 triệu USD nhưng Steven đã có thể đem tới cho khán giả những thước phim hấp dẫn, dữ dội và đẹp mắt không kém các bom tấn được đầu tư hàng trăm triệu USD. Từng cơn lốc xoáy, cảnh các ngôi nhà, trường học, bệnh viện bị vòi rồng đi qua và hất tung mọi thứ lên không trung được làm rất trau chuốt, khiến nhiều người xem sẽ phải cảm thấy rùng mình trước mức độ tàn khốc mà thiên tai gây ra.
Hình ảnh kỹ xảo trong phim.
|
Kỹ xảo cũng là yếu tố khiến cho Into the Storm trở nên chân thực hơn so với nhiều phim thảm họa trước. Không có những cảnh quay gây choáng ngợp như mặt đất rung chuyển rồi vỡ làm trăm mảnh như 2012 hay trở về thời kỳ băng hà như The Day After Tomorrow, Into the Storm chỉ tập trung vào những cơn lốc xoáy, xuất hiện và biến một thị trấn yên bình trở thành đống đổ nát, hoang tàn. Đó là những hình ảnh rất thực tế và xảy ra hàng năm ở nhiều nơi trên thế giới.
Phim được làm theo phong cách giả tài liệu với điểm nhìn máy quay từ chính các nhân vật. Cách làm này đem tới những góc nhìn đa diện về cơn bão và thể hiện được cảm xúc cũng như nỗi sợ hãi của từng nhân vật khi đứng trước thiên nhiên khắc nghiệt. Tuy nhiên, phần mở đầu của phim lại giới thiệu quá nhiều nhân vật nên người xem có thể cảm thấy bị loạn, khó phân biệt. Tuy nhiên, càng về sau khi cơn bão xuất hiện thì mọi sự tập trung đổ dồn về nhân vật “phản diện” là những cơn lốc xoáy dữ dội nên chuyện phim trở nên dễ nắm bắt hơn.
"Into the Storm" khai thác đề tài về những trận lốc xoáy.
|
Tương tự như các phim thiên tai khác, Into the Storm cũng khai thác về nghị lực và bản năng sinh tồn của con người trước sự biến động của thiên nhiên khắc nghiệt. Phim cũng đưa ra những thông điệp về gia đình, cuộc sống, không mới nhưng vẫn luôn ý nghĩa và đáng để người xem phải suy ngẫm – hãy sống hết mình hôm nay như thể chẳng có ngày mai. Cuộc sống luôn biến động, thời gian sẽ trôi đi rất nhanh và chẳng ai có thể đoán trước được tương lai sẽ ra sao, sẽ có chuyện gì xảy ra. Chính vì vậy, hãy sống tốt mỗi ngày và hạnh phúc mỗi khi được thức dậy vào buổi sáng hôm sau.
Không có những diễn viên nổi tiếng mà chỉ có những hình ảnh rất dữ dội,Into the Storm là tác phẩm mà khán giả có thể xem để trải nghiệm kỹ xảo đẹp mắt, để cảm thấy sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên và trân trọng những khoảnh khắc bình yên.
Into the Storm (Cuồng phong thịnh nộ) khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 8/8
Soledad photography
Conversion Conversion Emoticon Emoticon